Trước mắt chúng tôi là ngôi trường nhỏ mang tên Chí sĩ yêu nước Lê Cơ - nhà thực hành Duy Tân xuất sắc. Ấn tượng đầu tiên là cảnh quan với sân trường sạch sẽ, nhiều chậu hoa giấy được bố trí hợp lý, những khóm lộc hồng và hàng mai vạn phúc được cắt tỉa gọn gàng, những tán sưa đang kỳ trổ hoa tô điểm thêm sắc vàng dịu mát. Không nhiều bảng hiệu trên sân trường, chính xác là chỉ có bốn cái bảng hiệu hai mặt được bố trí một cách nghiêm túc mà hài hòa, điều làm chúng tôi thấy thú vị hơn chính là thông điệp trên những bảng hiệu ấy, này là “HỌC - Trải nghiệm, sáng tạo”, “SỐNG - Trách nhiệm, yêu thương”, kia là “Nhặt rác là hành động của người văn minh” hay “Nụ cười là điểm bắt đầu của yêu thương”,… rất cụ thể, hiện đại, phù hợp với định hướng giáo dục và vô cùng nhân văn. Một cảm giác khoan khoái xâm lấn, tôi chợt nghĩ “Mỗi buổi sáng sớm, các em học sinh đến trường được hít thở bầu không khí này, được rảo bước trong khuôn viên hài hòa này, quả là hạnh phúc lớn bởi nguồn năng lượng tích cực cho một ngày mới luôn ngập tràn nơi đây”.
Sứ mệnh của nhà trường được thể hiện trên bảng hiệu lớn đặt ngay trước cổng trường “Tạo dựng môi trường tốt nhất để mọi học sinh được học tập và phát triển”. Để kiểm chứng kết quả thực hiện sứ mệnh ấy, chúng tôi lần lượt kiểm tra toàn bộ hoạt động của nhà trường trong ba năm học từ 2019 – 2020 đến nay.
Đây là một trường học có số lớp hằng năm rất ít, năm nhiều nhất cũng chỉ có 6 lớp, thế nhưng số học sinh đạt giải trong các kì thi Học sinh giỏi các cấp thì thật ấn tượng. Nếu tính theo tỉ lệ, chất lượng học sinh giỏi của trường trung học cơ sở Lê Cơ sánh ngang bằng với trường trọng điểm chất lượng của huyện. Không những thế, nhiều năm liền trường luôn có học sinh thi đỗ vào trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm tỉnh Quảng Nam.
Chúng tôi dành phần lớn thời gian để kiểm tra hoạt động chuyên môn của nhà trường, từ công tác quản lí của lãnh đạo trường và các tổ chuyên môn đến việc tổ chức dạy học trên lớp của giáo viên. Qua quan sát phương pháp/ kĩ thuật dạy học, đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các thiết bị, đồ dùng dạy học của giáo viên, cũng như năng lực tham gia các hoạt động học của học sinh, chúng tôi hiểu rằng không phải ngày một, ngày hai mà có được sự uyển chuyển, linh hoạt và hiệu quả như vậy. Đây rõ ràng là kết quả của cả một quá trình đổi mới từ quan điểm chỉ đạo đến hình thức, phương pháp tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh và đã trở thành nề nếp trong nhà trường. Điều đó còn thể hiện rất rõ trong hồ sơ quản lí, hồ sơ chuyên môn của từng cá nhân, đặc biệt là hồ sơ công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong nhà trường.
Còn nhớ, khi Đoàn Đánh giá ngoài của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam đến Kiểm định chất lượng giáo dục tại trường, một thầy giáo trong Đoàn hỏi nhỏ tôi “Một trường nhỏ ở cách xa trung tâm huyện thế này mà có đến sáu cô giáo là cán bộ quản lí/ giáo viên cốt cán của huyện sao?”. Tôi gật đầu xác nhận và khẳng định “Đội ngũ giáo viên ở đây tuy ít nhưng không hề mỏng!”. Điều đáng ghi nhận là họ đồng lòng, không ngại khó, không ngại thay đổi để phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Nhờ vậy, nhiều thầy cô của trường đã được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và nhiều năm liền, trường đều có giáo viên đạt giải cao cuộc thi Thiết kế bài giảng E-learning tỉnh Quảng Nam. Ba năm liên tiếp gần đây, trường có ba cô giáo được Sở Giáo dục và Đào tạo vinh danh “Nhà giáo đã có đóng góp tích cực vào phong trào Đổi mới, sáng tạo trong quản lí và dạy học”.
Bên cạnh những con số sống động về thành tích dạy và học của trường Trung học cơ sở Lê Cơ mà tôi thường nói vui là “đã đóng dấu” ngôi trường này, chúng tôi thật sự tâm đắc khi kiểm tra việc tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường. Ngay từ tên gọi của các hoạt động đã thấy mục tiêu “Dạy người” luôn được chú trọng: Hoạt động ngoại khóa Em yêu Tiếng Việt với chủ đề “Lòng biết ơn”, “Xây dựng tình bạn đẹp, phòng chống bạo lực học đường” của tổ Khoa học Xã hội; Hoạt động trải nghiệm “Bữa cơm kết nối yêu thương”, “Sức khỏe sinh sản vị thành niên” của tổ Khoa học Tự nhiên; Hoạt động “Về với cội nguồn” do Liên Đội tổ chức, cùng với hoạt động thường xuyên của Câu lạc bộ Tiếng Anh do giáo viên bản địa phụ trách, Câu lạc bộ Cầu lông,… đã tạo nhiều sân chơi bổ ích, tuyên truyền, giáo dục những giá trị sống tốt đẹp cho học sinh toàn trường.
Từ xa, hai câu khẩu hiệu “Thư viện là cửa ngõ dẫn đến tri thức” và “Đọc sách là nuôi dưỡng trí tuệ” đã dẫn chúng tôi đến với Thư viện của trường. Ai nấy cũng xuýt xoa vì không gian các phòng đọc thoáng đãng, mát mẻ và yên tĩnh; sự bài trí tinh tế, đẹp mắt; kho sách dồi dào và phong phú. Tôi hỏi cô thủ thư về các hoạt động thường kì của thư viện, ngay lập tức được cô cung cấp các số liệu thống kê và nhiều hình ảnh tư liệu rất ấn tượng, có cả hình ảnh trao thưởng hằng năm dành cho tập thể và cá nhân học sinh tiêu biểu trong thực hiện phong trào phát triển Văn hóa đọc. Cảm giác khoan khoái, dễ chịu lại len lỏi trong tôi khi bước ra từ thư viện, ngay phía trước cửa là một công viên nhỏ, lạ và đẹp, nơi đặt trang trọng tượng đài Chí sĩ Lê Cơ.
Trò chuyện cùng một cô giáo trẻ dạy Toán mới được chuyển về công tác tại trường vào đầu năm học 2021 – 2022 này, cô hào hứng chia sẻ “Em thật sự may mắn khi được chuyển về đây công tác, mặc dù vẫn xa nhà nhưng em nhận được nhiều thứ lắm: tác phong làm việc của lãnh đạo trường và các bộ phận rất bài bản mà không hề cồng kềnh, cứng nhắc nên tạo được tinh thần làm việc vui vẻ, tự giác; sự nghiêm túc, chất lượng trong sinh hoạt Nghiên cứu bài học của tổ chuyên môn và các buổi bồi dưỡng của trường cho em cơ hội được trao đổi, học hỏi rất nhiều về chuyên môn, nghiệp vụ từ các thầy cô giáo dạy giỏi của trường…”
Chia sẻ với Đoàn kiểm tra, cô Đỗ Thị Thu Hòe - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong những năm học qua, nhà trường tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức dạy học và nhiều hoạt động giáo dục với mong muốn đem lại cho học sinh kết quả cao nhất để từng em đều có cơ hội được phát triển bản thân. Tuy nhiên, dù là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là điều kiện về cơ sở vật chất, bởi theo quy định, nhà trường còn thiếu nhà đa năng và một số phòng bộ môn.
Chúng tôi hiểu khó khăn của nhà trường chưa thể giải quyết được trong thời gian ngắn. Song với tinh thần đoàn kết, sự sáng tạo vượt trội cùng với ý chí vươn lên mạnh mẽ của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và sự đồng hành của cha mẹ học sinh, những khó khăn sẽ sớm dần khắc phục, trường Trung học cơ sở Lê Cơ sẽ duy trì và phát huy hơn nữa những kết quả đạt được trong các năm học qua, tiếp tục sứ mệnh “tạo dựng môi trường tốt nhất để mọi học sinh được học tập và phát triển” hướng đến xây dựng thành công ngôi trường hạnh phúc trong tương lai gần với nhiều thành tích to lớn hơn, góp phần làm rạng danh đất học Phú Lâm và Chí sĩ Lê Cơ./.